Phân loại nội dung khi in thiệp cưới
Có mấy loại nội dung in thiệp cưới, nội dung này khác gì nhau?
Hẳn nhiều cặp đôi sẽ thắc mắc nội dung trong thiệp cưới là gì? Tại sao nhiều xưởng in thiệp cưới giá thành thường tính trên từng nội dung. Nội dung trong thiệp cưới tương đương với các loại thiệp như: thiệp đính hôn, thiệp tân hôn, thiệp thành hôn, thiệp vu quy, thiệp báo hỷ.
Tại sao lại phân chia ra thành nhiều loại thiệp cưới như thế? Thực tế những thuật ngữ này không phải xa lạ đối với cô dâu chú rể. Thiệp đính hôn tương đương với thiệp đám hỏi của nhà gái. Thiệp tân hôn là thiệp cưới của gia đình nhà trai, thời gian và địa điểm đãi tiệc của nhà trai. Thiệp Vu quy tương tự là thiệp của nhà gái với thời gian và khách mời của nhà gái chiếm chủ yếu. Thiệp thành hôn dùng trong trường hợp hai gia đình đãi chung 1 tiệc với nhau. Thiệp Báo Hỷ sử dụng cho những tiệc quy mô nhỏ 100-150 khách mời.Cặp đôi đãi tiệc báo hỷ khi đã tổ chức tiệc Vu Quy và Tân Hôn ở quê nhà, tiệc chỉ mang tính chất thông báo cho bạn bè.
Cách ghi nội dung theo từng loại thiệp cưới
Theo từng loại nội dung mà có những cách ghi khác nhau. Thiệp của nhà gái bao gồm thiệp vụ quy, đính hôn: thông tin nhà gái thường nằm bên tay trái. Tương tự đối với thiệp tân hôn, thành hôn, báo hỷ thông tin thiệp nhà trai ghi bên tay trái, thông tin nhà gái bên tay phải. Sở dĩ có sự phân biệt này là bởi vì quan niệm của ông bà xưa, thể hiện mức độ quan trọng của nội dung trên thiệp.
Cần chuẩn bị thông tin gì khi đi in thiệp cưới?
Nội dung thông tin 2 bên gia đình
Trong văn hóa phương Đông, trên thiệp cưới thường để tên bố mẹ hai bên gia đình đầu tiên và trên hết. Đối với trường hợp bố mất có thể để là bà quả phụ + tên bố ; nhũ danh + tên mẹ. Nhiều cô dâu – chú rể chọn phương án để Bà quả phụ hoặc bà + tên mẹ đều được. Thiết nghĩ việc để tên bố mẹ lên thiệp mời là để bày tỏ lòng hiếu thảo, kính thuận nên để tên cả 2 người lên thiệp vẫn là phù hợp hơn cả. Trong trường hợp bố mẹ không may qua đời có thể nhờ cô chú, anh chị làm chủ hôn thay có thể để: Thay mặt song thân + tên chủ hôn. Trong trường hợp không có người chủ hôn thay thế có thể để: cố phụ và cố mẫu.
Đối với gia đình có đạo nên lưu ý các phần tên Thánh.
Thông tin cô dâu chú rể.
Phần thông tin này cô dâu chú rể thường đắn đo ở việc ghi thứ tự trong gia đình. Con đầu sẽ tương đương với trưởng nam, trưởng nữ. Vị trí này không phụ thuộc vào việc có anh hay chị em gì khác ở trước. Tương tự đối với vị trí út nam, út nữ.. Các trường hợp là con thứ sẽ ghi là thứ nam, thứ nữ. Nếu gia đình chỉ có 1 người con duy nhất ghi là: Quý nam hoặc Ái nữ. Đối với tên CD-CR là nội dung chính nên thường sẽ có phông chữ khác, lớn hơn để tạo điểm nhấn. Năm 2019 thiệp cưới hiện đại có xu hướng ép kim phần tên này để tạo điểm khác biệt.
Thông tin hôn lễ ghi trong thiệp cưới
Một bộ thiệp cưới thường bao gồm thiệp báo và thiệp mời. Trong phần thiệp báo có ghi: trân trọng báo tin hôn lễ được cử hành tại…. Đây chính là nội dung hôn lễ. Đối với lễ của nhà trai: phần ngày giờ hôn lễ là phần ngày giờ nhà trai rước cô dâu về đến nhà và làm lễ gia tiên ở nhà trai. Phần ngày giờ làm lễ của nhà gái là lúc nhà trai qua tới nhà gái và làm lễ xin dâu ở nhà gái. Các cặp đôi theo Đạo thì phần ngày giờ làm lễ là ngày giờ làm lễ thánh. Phật giáo là lễ Hằng Thuận hoặc là Thánh lễ hôn phối với Đạo Thiên Chúa.
Thông tin ngày giờ đãi tiệc
Ở phần thiệp mời các cặp đôi cần chú ý thật kỹ. Cần ghi rõ thông tin về thời gian, địa điểm ngày giờ đãi tiệc. Nên ghi chi tiết thời gian đón khách và thời gian khai tiệc để khách mời chủ động sắp xếp được thời gian. Thường các cặp đôi còn in thêm bản đồ chỉ đường đến địa điểm tổ chức tiệc cưới (tại gia hay nhà hàng). Đối với cặp đôi đãi tiệc ở nhà hàng lưu ý nên có ghi tên sảnh, tầng.